ANH: PHÁT TRIỂN PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN ĐỔI RÁC THẢI THÀNH KHÍ HYDRO

Nhóm các nhà hóa học ở Cambridge, Anh quốc vừa phát triển kỹ thuật chuyển đổi các chất thải sinh khối và hữu cơ chưa qua xử lý thành hydro, bằng năng lượng mặt trời ở điều kiện nhiệt độ phòng. Nghiên cứu khoa học mang tính đột phá này đã làm thay đổi suy nghĩ cho rằng thu hydro từ rác thải thực vật sẽ tốn rất nhiều năng lượng.

Công nghệ mới dựa trên quá trình chuyển đổi quang học đơn giản, với các hạt kích thước khoảng 5 nanomét được thêm vào dung dịch kiềm có chứa chất sinh khối ở dạng lơ lửng. Các hạt nano này sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời, tạo ra các điện tích và làm ôxy hóa chất sinh khối để tạo ra CO2, cũng như tách nước thành hydro.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu sinh khối khác nhau để tạo ra hydro, trước khi quyết định áp dụng kỹ thuật này vào chất cellulose. Theo đó, nhóm đã sử dụng gỗ, giấy hay lá cây và tất cả đều có điểm chung là chưa qua xử lý.

Các mỏ dầu trên Trái đất đều được hình thành từ sinh khối cổ xưa trong điều kiện áp suất và nhiệt độ cao, qua hàng triệu năm để trở thành nguồn nhiên liệu hóa thạch như ngày nay. Nếu kỹ thuật xử lý và chuyển đổi rác thải thành khí hydro này được mở rộng quy mô thực hiện, sẽ giúp gia tăng các cơ hội sản xuất và lưu trữ nguồn năng lượng khí hydro dồi dào và ổn định.

Theo Reuters.